Thay đổi của tình hình chiến trường và việc ông Trump sắp tiếp quản Nhà Trắng được coi là yếu tố thúc đẩy ông Biden gỡ rào tên lửa ATACMS cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden coi sự ủng hộ không ngừng dành cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga là dấu ấn cho nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông đã nỗ lực thành lập liên minh phương Tây và vượt qua những tranh cãi trong quốc hội Mỹ để duy trì nguồn viện trợ quan trọng cho Kiev trong gần ba năm qua.
Tuy nhiên, trong thời gian dài, ông Biden đã từ chối cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ để tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, bất chấp những lời kêu gọi từ Kiev.
Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây tỏ ra ngần ngại khi Nga cảnh báo động thái này sẽ được xem là vượt qua lằn ranh đỏ và nguy cơ kích hoạt xung đột trực tiếp giữa Moskva với NATO.
Nhưng khi xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ tư và ông Biden sắp rời nhiệm sở, Tổng thống Mỹ đã thay đổi quyết định. Quân đội Ukraine ngày 19/11 phóng loạt tên lửa ATACMS vào mục tiêu tại tỉnh Bryansk, đánh dấu lần đầu tiên loại vũ khí tầm xa này được sử dụng trên lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/11 xác nhận tên lửa ATACMS của Ukraine đã đánh trúng kho đạn ở tỉnh Bryansk, gây ra đám cháy lớn, nhưng sau đó đã được dập tắt. Giới chức Nga coi đây là động thái đánh dấu “giai đoạn mới” của xung đột.
Nga sau đó đáp trả bằng cách phóng tên lửa đạn đạo tầm xa Oreshnik mang đầu đạn siêu vượt âm phi hạt nhân vào Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Yuzhmash), một trong những tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn và nổi tiếng nhất của Ukraine, đặt tại thành phố miền trung Dnipro. Đây là lần đầu tiên loại tên lửa có khả năng mang vũ khí hạt nhân này được sử dụng trong xung đột.
Câu hỏi nhiều người đặt ra hiện nay là tại sao ông Biden lại gỡ rào vũ khí vào thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, chuyển giao quyền lực lại cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine “trong 24 giờ sau khi nhậm chức”.
Theo Anatol Lieven, giám đốc Chương trình Á-Âu thuộc Viện Quincy, một trong những động lực thúc đẩy quyết định của ông Biden là tìm cách ngăn chặn kịch bản ông Trump tìm cách gây sức ép, dồn Ukraine vào thế phải chấp nhận một thỏa thuận bất lợi.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 22/11 cũng cho rằng chính quyền ông Biden đang tìm cách đẩy Tổng thống đắc cử Trump vào thế khó, ngăn cản người kế nhiệm “có bất kỳ động thái nào mang tính xây dựng” trong vấn đề Ukraine.
Tổng thống Biden và Tổng thống đắc cử Trump có quan điểm khác nhau về tương lai xung đột Ukraine. Ông Biden cam kết duy trì viện trợ cho Kiev đến khi Ukraine đẩy quân Nga ra khỏi lãnh thổ. Ông Trump trong khi đó hoài nghi về cách tiếp cận này, phản đối hỗ trợ vô điều kiện cho Ukraine và tuyên bố sẽ gây sức ép với cả hai bên để nhanh chóng kết thúc xung đột.
Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây lo ngại ông Trump có thể khiến Ukraine buộc phải nhượng lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình, điều mà Kiev vốn kịch liệt phản đối.
Trong trường hợp Ukraine phải ngồi vào bàn đàm phán dưới áp lực của ông Trump, chính quyền Tổng thống Biden dường như muốn giúp Kiev tạo dựng được càng nhiều lợi thế trên thực địa càng tốt.
Một trong những lá bài đàm phán quan trọng nhất của Ukraine hiện nay là một phần tỉnh Kursk của Nga mà họ đang kiểm soát sau chiến dịch tấn công bất ngờ qua biên giới hồi tháng 8. Nga đang tập trung lực lượng để đẩy binh sĩ Ukraine ra khỏi tỉnh Kursk trước ngày ông Trump nhậm chức và tên lửa ATACMS có thể giúp Ukraine trì hoãn đà tiến của đối phương.
Hai quan chức giấu tên nói với Washington Post rằng tên lửa ATACMS ban đầu được cấp phép sử dụng ở tỉnh Kursk và khu vực lân cận, nơi quân đội Ukraine đang nỗ lực giữ những phần lãnh thổ mà họ kiểm soát. Những tên lửa tầm xa này có thể tập kích chính xác các kho đạn, sở chỉ huy, nơi tập kết quân của Nga, buộc Moskva phải kéo lùi tuyến hậu cần ra khỏi tầm bắn 300 km của nó.
Điều này sẽ hạn chế đáng kể khả năng tiếp viện của Nga cho tiền tuyến, cũng như trì hoãn đà tiến nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine. Nếu duy trì được lực lượng hiện diện liên tục trên lãnh thổ Nga, Ukraine sẽ giành được đòn bẩy quan trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán tương lai nào giữa hai bên, theo giới quan sát.
Aaron David Miller, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế ở Washington, cho rằng thời điểm đưa ra quyết định của chính quyền ông Biden là rất quan trọng, bởi ông sẽ rời Nhà Trắng trong hai tháng nữa. Dù ông Trump sau khi nhậm chức có thể nhanh chóng cắt nguồn viện trợ cho Ukraine, quyết định gỡ rào vũ khí của ông Biden vẫn để lại những dấu ấn rõ nét.
“Nếu ATACMS có thể giúp Ukraine ngăn đà tiến của Nga ở Kursk và giữ được phần lãnh thổ đang kiểm soát, điều đó rõ ràng có lợi cho cả Washington và Kiev. Một số đảng viên Cộng hòa tin rằng Ukraine vẫn là một phần trong lợi ích quốc gia của Mỹ, dù dưới chính quyền nào”, ông nói.
Tuy nhiên, một số đồng minh thân cận nhất của ông Trump đã lên tiếng chỉ trích động thái của Tổng thống Biden. Con trai cả Trump Jr. của Tổng thống đắc cử nói rằng chính quyền đương nhiệm đang muốn “Thế chiến III diễn ra trước khi cha tôi có cơ hội tạo dựng hòa bình và cứu mạng sống nhiều người”.
Nghị sĩ Mike Waltz, người ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, gọi quyết định gỡ rào vũ khí là “bước tiến leo thang căng thẳng”, nhấn mạnh “không ai biết chuyện này sẽ đi về đâu”.
Michael O’Hanlon, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings ở Washington, phản bác những lời chỉ trích và khẳng định động thái mới hoàn toàn phù hợp với lập trường của ông Biden trong suốt xung đột là “trì hoãn và thận trọng”.
Chính quyền ông Biden trước đó cũng ngần ngại phê duyệt yêu cầu viện trợ xe tăng M1 Abrams và tiêm kích F-16 mà Ukraine đưa ra. Nhà Trắng cũng từng phản đối cho phép Ukraine sử dụng hệ thống pháo phản lực HIMARS tập kích mục tiêu trong lãnh thổ Nga trước khi đảo ngược quyết định.
O’Hanlon nhấn mạnh rằng cách tiếp cận cơ bản của ông Biden trong gần ba năm qua là “nếu Nga leo thang, chúng tôi cũng làm điều tương tự”.
Các quan chức và truyền thông Mỹ nói rằng những biến chuyển quan trọng trên chiến trường cũng là động lực buộc Tổng thống Biden thay đổi chính sách với tên lửa ATACMS để ứng phó.
Nga gần đây tiến quân với tốc độ “nhanh chưa từng thấy”, áp sát nhiều thành trì chiến lược của Ukraine ở tiền tuyến Donbass, đẩy Kiev vào tình thế chật vật chống đỡ. Tại tỉnh Kursk, Mỹ và Ukraine đều cho rằng Nga đang tăng cường đáng kể lực lượng tiếp viện, thậm chí là có cả binh sĩ từ Triều Tiên, để tăng sức ép với Ukraine.
Trong bối cảnh đó, nếu ông Biden không có những quyết định quyết liệt hơn, phòng tuyến Ukraine có nguy cơ sụp đổ hàng loạt và họ sẽ rơi vào tình thế vô cùng khó khăn trong hai tháng tới, thời điểm ông Trump nhậm chức. Khi đó, Kiev sẽ không còn cách nào khác ngoài chấp nhận các điều khoản đàm phán mà ông Trump đưa ra để nhanh chóng kết thúc chiến sự.
Chuyên gia David Miller cho rằng quyết định gỡ rào với tên lửa ATACMS của ông Biden “có lẽ là điều ít rủi ro nhất” mà họ có thể làm cho Ukraine trong tình hình hiện nay. Động thái này cũng khó có khả năng làm xung đột leo thang quá mức, bởi Ukraine chỉ nhận được vài chục tên lửa ATACMS gần như không thể thay đổi cục diện chiến sự.
“Ukraine đã tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga bằng máy bay không người lái có tầm hoạt động xa hơn nhiều những gì ATACMS có thể làm được. Vì vậy, đây không phải là động thái thay đổi chiến lược hoàn toàn. Những tên lửa này chỉ có hiệu quả với những mục tiêu cấp bách và được bảo vệ kiên cố của Nga”, William Courtney, cựu đại sứ Mỹ tại Gruzia và Kazakhstan, nhận xét.
Lieven, chuyên gia của Viện Quincy, tin rằng Nga sẽ tìm cách kiềm chế hành động cho đến khi chính quyền ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn. Tổng thống Putin ngày 19/11 ký duyệt học thuyết hạt nhân mới, trong đó hạ ngưỡng kích hoạt loại vũ khí hủy diệt này. Điều này khiến nhiều người lo sợ về nguy cơ nổ ra cuộc đối đầu hạt nhân. Vụ tập kích bằng tên lửa đạn đạo Oreshnik cũng đẩy xung đột Ukraine đến sát ngưỡng một cuộc chiến tranh hạt nhân không ai mong muốn.
Lieven cho rằng cuộc đối đầu trực tiếp Nga – Mỹ khó xảy ra, nhưng không loại trừ khả năng Nga sẽ có phản ứng như nhắm mục tiêu vào một đồng minh của Mỹ. “Người Nga luôn lo ngại để lằn ranh đỏ liên tục bị xâm phạm. Do đó, động thái gỡ rào vũ khí của ông Biden vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn”, ông nói.
Thùy Lâm (Theo Al Jazeera, ABC News, Washington Post)