Nghệ AnCầu Thanh Nam ở huyện Con Cuông xây xong từ cuối năm 2023, nhưng chưa thể hoạt động vì đường dẫn phía Nam vướng giải phóng mặt bằng.
Cầu Thanh Nam bắc qua sông Lam, nối xã Bồng Khê với thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tổng mức đầu tư 166 tỷ đồng trích từ ngân sách Nhà nước. Cầu dài 412 m, rộng 9 m, gồm 12 nhịp, kết cấu bêtông cốt thép dự ứng lực. Hai đầu cầu bố trí đường dẫn tổng chiều dài 1,7 km.
Công trình do Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông làm chủ đầu tư, khởi công tháng 8/2021, dự kiến đưa vào sử dụng sau 2 năm. Nhà chức trách đánh giá đây là dự án trọng điểm, cấp bách của huyện Con Cuông, góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo kế hoạch công trình hoàn thành vào tháng 9/2023. Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng làm đường dẫn dài 180 m nối từ mố cầu phía Nam ra quốc lộ 7A nên công trình bị chậm tiến độ. Được chính quyền gia hạn đến tháng 4 năm nay, nhưng cầu Thanh Nam vẫn không thể về đích.
Cuối tháng 7, phần cầu và đường dẫn ở phía Bắc thuộc xã Bồng Khê đã hoàn thành. Đường dẫn ở phía Nam đang bị án ngữ bởi nhà dân và các ki-ốt chợ Con Cuông. Nhà chức trách đã giăng cọc tre, gắn biển “công trường đang thi công, không phận sự miễn vào” ở đoạn đường đất thuộc mố cầu phía Nam. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lái ôtô, xe máy di chuyển qua đây.
Theo thống kê của UBND huyện Con Cuông, có 42 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó 4 gia đình có đất ở, xây nhà kiên cố từ hàng chục năm nay, 3 hộ phải đi tái định cư, còn lại 38 ki-ốt kinh doanh bên chợ phải dời đi nơi mới.
Tại các cuộc đối thoại với chính quyền trong một năm qua, chỉ 2 hộ dân đồng ý nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng; một gia đình không chấp nhận vì cho rằng mức hỗ trợ thấp. 38 người sở hữu ki-ốt thì băn khoăn bởi hiện tại quầy đang rộng, khi dời đến điểm mới lo lắng diện tích bị thu hẹp, khó kinh doanh.
“Ki-ốt là nơi mưu sinh, nuôi sống cả gia đình tôi hàng chục năm nay, nếu bố trí điểm mới không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Vì thế mọi người đang bám trụ để kinh doanh chứ không có ý định cản trở thi công đường dẫn ở phía Nam cầu, rất mong chính quyền có phương án hợp lý”, một tiểu thương cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông, cho biết với một hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án nhưng không rời đi, đơn vị thi công thống nhất cho họ ở lại, lấy một phần đất để làm đường từ mố cầu phía nam dẫn ra quốc lộ 7A. Hộ này đã ký hồ sơ nhận đền bù, chấp nhận không thể đi đường chính mà phải đi đường gom.
“Với hàng chục tiểu thương có ki-ốt tại chợ Con Cuông, huyện tiếp tục tổ chức các cuộc họp nhằm thuyết phục, tìm sự đồng thuận. Khi làm đường dẫn nối với cầu thì diện tích chợ chắc chắn bị thu hẹp, cần tính toán chia lại diện tích sử dụng ki-ốt hợp lý để việc kinh doanh không ảnh hưởng”, ông Thịnh nói.
Ông Lô Văn Thao, Chủ tịch huyện Con Cuông, nói bên cạnh làm dự án thì cũng cần đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân, vì thế các cơ quan chuyên môn phải kiểm đếm, tính toán hợp lý các phương án đền bù. Dự kiến việc giải phóng mặt bằng để thi công đường dẫn cầu Thanh Nam sẽ xong trong tháng 8.