Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024
Google search engine
Trang chủBusinessTỷ phú có thể là bộ trưởng đồng tính đầu tiên trong...

Tỷ phú có thể là bộ trưởng đồng tính đầu tiên trong chính quyền ông Trump

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, tỷ phú Bessent sẽ là bộ trưởng đồng tính đầu tiên trong chính quyền Trump cũng như các đời tổng thống Cộng hòa.

Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 22/11 thông báo chọn Scott Bessent, một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của mình, làm bộ trưởng tài chính trong chính quyền mới.

“Scott từ lâu đã ủng hộ mạnh mẽ nghị trình Nước Mỹ trước tiên và sẽ giúp tôi mở ra một kỷ nguyên vàng mới cho Mỹ, củng cố vị thế luôn là bên đi đầu của thế giới về kinh tế, trung tâm đổi mới và khởi nghiệp, điểm đến của dòng vốn, và giữ USD là đồng dự trữ của thế giới”, ông Trump viết.

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, Bessent sẽ kế nhiệm bà Janet Yellen, đồng thời trở thành bộ trưởng đồng tính đầu tiên trong chính quyền ông Trump cũng như dưới thời bất cứ tổng thống Mỹ nào thuộc đảng Cộng hòa.

Mỹ đã có thành viên nội các đồng tính đầu tiên là Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg do Tổng thống Joe Biden, đảng Dân chủ, đề cử. Ông Buttigieg được Thượng viện Mỹ phê chuẩn hồi tháng 2/2021 với số phiếu 86-13.

Ông Trump năm 2020 từng bổ nhiệm Richard Grenell, một người đồng tính công khai, làm quyền giám đốc tình báo quốc gia. Tuy nhiên, đây không được coi là vị trí chính thức trong nội các và không do Thượng viện phê duyệt.





Ông Scott Bressent ở Sun Valley, bang Idaho hồi tháng 7/2017. Ảnh: AFP

Scott Bressent ở Sun Valley, bang Idaho hồi tháng 7/2017. Ảnh: AFP

Bessent sinh năm 1962 và lớn lên tại Conway, bang Nam Carolina. Ông muốn vào Học viện Hải quân Mỹ để phục vụ đất nước nhưng bất thành vì vấn đề giới tính. Bessent sau đó học Đại học Yale và muốn theo nghề báo, nhưng nỗ lực thất bại khi tranh cử vị trí biên tập tờ Yale Daily News của trường khiến ông chuyển hướng.

Năm 1984, Bessent tốt nghiệp chuyên ngành khoa học chính trị, Đại học Yale. “Tôi đến trung tâm việc làm và gặp Jim Rogers, nhà quản lý tiền tệ nổi tiếng ở New York City, đang tìm thực tập sinh. Ông ấy thậm chí còn cho phép tôi ngủ lại trên ghế sofa ở văn phòng”, Bessent chia sẻ. Rogers là đối tác của George Soros, cùng tỷ phú này lập công ty đầu tư Quantum Fund năm 1973.

Bessent làm việc cho nhà đầu tư chuyên bán khống Jim Chanos vào cuối thập niên 1980, sau đó gia nhập Soros Fund Management (SFM), công ty đầu tư vĩ mô của ông Soros, từ năm 1991 đến 2000. Bessent từng nói rằng cách tiếp cận của ông với các cơ hội đầu tư là “bắt đầu bằng một khái niệm trừu tượng, sau đó xem xét số liệu thực tế, giống như cách nhà báo giỏi sẽ làm”.

Bessent góp phần giúp Soros và SFM thực hiện thương vụ bán khống bảng Anh (GBP) nổi tiếng trong cuộc “khủng hoảng GBP năm 1992”, khi GBP rời khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu. Thương vụ giúp SFM thu lợi nhuận hơn một tỷ USD chỉ trong một tháng, còn ngân hàng trung ương Anh lao đao.

Năm 2011, Bessent giữ vị trí giám đốc đầu tư tại SFM. Ông rời SFM năm 2015 sau khi huy động được 4,5 tỷ USD, trong đó có 2 tỷ USD từ Soros, để lập quỹ phòng hộ Key Square, chuyên đầu tư theo xu hướng vĩ mô.

Tính đến tháng 12/2023, Key Square đang quản lý tổng tài sản khoảng 577 triệu USD. Wall Street Journal đưa tin ông Bessent và ông Soros, 94 tuổi, đã không liên lạc “trong nhiều năm”.

Bessent từng ủng hộ các hoạt động của đảng Dân chủ hồi đầu những năm 2000, trong đó có chiến dịch tranh cử của ông Al Gore.

Ông quen biết gia đình Trump suốt 30 năm nhờ tình bạn với Robert Trump, em trai quá cố của Tổng thống đắc cử. Ông bắt đầu ủng hộ ông Trump khi trùm bất động sản New York tranh cử lần đầu năm 2016. Năm nay, Bessent đã quyên góp khoảng 3 triệu USD cho ông Trump và đảng Cộng hòa nói chung, tham gia hỗ trợ với vai trò cố vấn kinh tế.

“Tôi tất tay cho ông Trump. Tôi là một trong số ít người trên Phố Wall ủng hộ ông ấy”, ông Bessent trả lời Stone cuối tuần trước.

Bessent công khai là người đồng tính và kết hôn với John Freeman, cựu công tố viên thành phố New York. Họ hiện sống cùng hai con tại quê nhà Nam Carolina.

“Vào năm 1984, khi tôi mới tốt nghiệp và nhiều người chết vì AIDS, nếu bạn nói rằng 30 năm sau tôi sẽ kết hôn hợp pháp với bạn đời và có hai người con nhờ mang thai hộ, tôi sẽ không tin đâu”, Bessent từng nói trong cuộc phỏng vấn năm 2015.





Scott Bressent phát biểu tại sự kiện vận động của ông Donald Trump ở Asheville, bang Bắc Carolina ngày 14/8. Ảnh: Reuters

Scott Bressent phát biểu tại sự kiện vận động của ông Donald Trump ở Asheville, bang Bắc Carolina ngày 14/8. Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia kinh tế tin rằng Bessent là một lựa chọn trung dung của ông Trump. Nếu được Thượng viện chấp thuận, ông còn là bộ trưởng tài chính Mỹ thứ hai dưới thời Trump có liên hệ với Soros, nhà tài trợ khổng lồ của đảng Dân chủ, sau Steven Mnuchin.

Bessent thường xuyên đề cập việc giảm thâm hụt thương mại và ủng hộ chính sách cắt giảm thuế của ông Trump. Ông chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden vì “4 năm chi tiêu liều lĩnh”, dẫn đến tình trạng nợ công cao của Mỹ. Ông chỉ trích Fed hành động quá chậm khi ứng phó lạm phát tăng năm 2021 và động thái cắt giảm lãi suất mạnh tay hồi tháng 9.

Bessent đã khuyến nghị ông Trump theo đuổi chính sách “3-3-3”, gồm giảm thâm hụt ngân sách tương đương 3% GDP vào năm 2028, thúc đẩy tăng trưởng GDP 3% bằng cách cắt giảm quy định, tăng sản lượng dầu thêm ba triệu thùng mỗi ngày.

Trong bài bình luận đăng trên Fox News ngày 15/11, ông Bessent bênh vực chính sách áp thuế hàng hóa nhập khẩu mà Tổng thống đắc cử Trump đề xuất, bác bỏ “những chỉ trích vô lý” từ giới kinh tế gia rằng biện pháp này gây lạm phát.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Ông ấp ủ kế hoạch lớn hơn cho nhiệm kỳ hai, áp thuế suất 60% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc và thuế suất chung 10-20% với những hàng hóa từ các nước còn lại vào Mỹ.

“Tôi nghĩ thuế có thể được coi là cách trừng phạt kinh tế mà không phải áp lệnh trừng phạt. Nếu không thích chính sách kinh tế của Trung Quốc, bạn có thể trừng phạt họ, hoặc đánh thuế. Đây còn là câu trả lời cho hành động thao túng tiền tệ”, ông Bessent nêu quan điểm, thêm rằng những cảnh báo áp thuế của ông Trump còn là “công cụ đàm phán với các đối tác thương mại”.

“Sau cùng, ông ấy vẫn là người ủng hộ tự do thương mại”, Bessent nói với Financial Times hồi tháng 10. “Đó là chiến thuật leo thang để giảm căng thẳng”.

Như Tâm (Theo ABC News, AP, WSJ)


RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments