Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024
Google search engine
Trang chủUncategorizedChật vật sinh tồn ở Thung lũng Chết

Chật vật sinh tồn ở Thung lũng Chết

Thung lũng Chết, bang California, liên tục phá kỷ lục là nơi nóng nhất nước Mỹ, khiến người dân địa phương tự hỏi liệu còn chịu đựng được bao lâu.

Thung lũng Chết (Death Valley), ở bang California, là nơi nóng và khô nhất nước Mỹ, đặc biệt là vào mùa hè, thời điểm khu vực này ghi nhận những tháng nóng kỷ lục gần như hàng năm.

Khách tham quan có thể sốc trước sức nóng được mô tả “như hỏa ngục” ở Thung lũng Chết. Vài trăm cư dân sống tại các vùng sa mạc ngoài rìa công viên quốc gia cùng tên cũng tự hỏi liệu họ có thể sinh tồn thêm được bao lâu, khi tình trạng nắng nóng ngày càng trở nên cực đoan.





Du khách tại Công viên Quốc gia Thung lũng Chết ở bang California, Mỹ. Ảnh: WP

Du khách tại Công viên Quốc gia Thung lũng Chết ở bang California, Mỹ. Ảnh: WP

Thung lũng Chết ghi nhận 6 mùa hè nóng nhất ở Mỹ trong thập kỷ qua, được cho là lời cảnh báo về tình trạng khí hậu ấm lên.

Tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận ở Thung lũng Chết, với nhiệt độ trung bình tháng là 42,5℃, trong đó 9 ngày liên tiếp nhiệt độ chạm 51,6℃. Nhiệt độ ban đêm cũng hiếm khi xuống dưới 35℃.

“Cái nóng khiến tôi nghi ngờ mức độ tỉnh táo của mình, có cảm giác như không thể giữ bình tĩnh được”, Brian Brown, người sở hữu và điều hành ốc đảo phía nam ở Công viên Quốc gia Thung lũng Chết, nói.

Nắng nóng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến thời tiết ở Mỹ, đặc biệt là tại Thung lũng Chết. Chính quyền địa phương phải dựng biển cảnh báo về nắng nóng trên khắp công viên.

“Đừng trở thành nạn nhân của Thung lũng Chết. Hãy chuẩn bị kỹ lưỡng để sinh tồn”, một tấm biển cảnh báo viết.

“Cơ thể sẽ chịu cú sốc trong cái nóng như vậy”, Alexandra Heaney, giáo sư y tế công cộng tại Đại học California, mô tả. “Cảm giác ở Thung lũng Chết giống như đang ở trong lò nướng”.

Trong một nghiên cứu, bà Heany nhấn mạnh mức nhiệt cao khiến số bệnh nhân phải đến phòng cấp cứu địa phương tăng đột biến, với các vấn đề liên quan đến nhiệt như tai nạn, căng thẳng, tổn thương hệ thần kinh.

Ở Thung lũng Chết, nơi gần bệnh viện nhất có thể xa đến 100 km. Những người làm việc ngoài trời như Brown và các nhân viên phải hết sức cẩn trọng.





Ông Brown trong thời gian nghỉ giữa ca làm việc. Ảnh: WP

Ông Brown trong thời gian nghỉ giữa ca làm việc. Ảnh: WP

Brown đã trải qua 45 mùa hè ở Thung lũng Chết, và đã tích lũy được nhiều mẹo chống nóng khi gần 10 hecta cây chà là của ốc đảo cần được chăm sóc tỉ mỉ.

Ông và các nhân viên làm việc từ 6h sáng. Họ nhúng áo vào nước để làm mát, rồi lặp lại khi nắng nóng khiến chúng khô rang. Áo làm việc của họ cũng được may bằng vải dày để tránh ruồi trâu bay theo đàn vào mùa hè.

Khi không có đủ nước, họ trú trong kho lạnh ở nhà kho bảo quản chà là. “Đây là nơi yêu thích của nhóm”, Brown nói, cho biết ông cũng dùng các biện pháp tâm lý, như nhắc các nhân viên rằng mỗi ngày mới sẽ ngắn hơn một chút. Họ đã trải qua 2/3 tháng hè cao điểm, khi ngày dài nhất và nóng nhất.

Nắng nóng cũng buộc lực lượng cứu hỏa khu vực phải sẵn sàng ứng phó và xử lý các trường hợp khẩn cấp. Nhưng cơ quan phòng cháy chữa cháy địa phương hiện phải phụ thuộc vào các tình nguyện viên cao tuổi, thậm chí còn không có kho cất phương tiện, thiết bị chữa cháy.

Dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, vòi chữa cháy, lốp xe hay dụng cụ y tế rất dễ bị hỏng, khiến công tác chữa cháy và sơ cứu gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi không thể thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) trong thời tiết này. Chính chúng tôi cũng sẽ cần CPR nếu thực hiện quy trình đó trong 1-2 phút”, Larry Levy, lãnh đạo cơ quan phòng cháy chữa cháy ở Tecopa, cách Thung lũng Chết khoảng 120 km, nói.





Xe cứu hỏa, cứu thương của cơ quan phòng cháy chữa cháy dưới ánh nắng ngoài trời ở Tecopa. Ảnh: WP

Xe cứu hỏa, cứu thương của cơ quan phòng cháy chữa cháy ở Tecopa. Ảnh: WP

Ông Levy đã 72 tuổi nhưng chưa tìm được người kế nhiệm để nghỉ hưu. Trong hai thập kỷ chung sống, nhịp sinh hoạt hàng ngày của vợ chồng ông thay đổi vào mùa hè. Ông bổ sung nước điện giải vào buổi sáng, cùng vợ ngủ trưa dài, trước khi uống nước bưởi vào buổi chiều.

Trong khi đó, hàng xóm của ông là John Muccio, đã phải bỏ điều hòa giống nhiều người khác, khi hóa đơn tiền điện tăng lên hàng nghìn USD. Ông Muccio hiện phải dùng quạt hơi nước để làm mát nhà, nhưng biện pháp chống nóng hiệu quả nhất của ông là rời khỏi khu vực.

Mỗi cuối tuần, ông lại lái xe gần 150 km đến Las Vegas để chơi poker, nơi có điều hòa miễn phí.

“Thung lũng Chết và các khu vực lân cận ngày một nóng hơn qua mỗi năm. Sẽ rất thú vị để xem con người có còn sống được ở đây không trong 10-20 năm tới”, ông Muccio, đầu bếp nghỉ hưu chuyển đến Tecopa từ năm 2006, nói.

Đức Trung (Theo Washington Post)


RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments